Có một nghịch lý vẫn đang tồn tại là bộ môn cây cảnh được nhiều người xem là một bộ môn nghệ thuật, rất nhiều tác phẩm được hình thành, số lượng nghệ nhân đông đảo nhất trong tất cả các bộ môn nghệ thuật đương đại hay truyền thống, thế nhưng bộ môn này lại không có trong trường lớp chính quy hay có một hệ thống giáo trình đào tạo quy chuẩn chính thức trong hệ thống trường nghề.
Nghề cây cảnh đa phần do đam mê mà đeo đuổi, hiếm ai có cơ quyên gặp được sách hay thầy giỏi, mà đa phần học mỗi chỗ một ít tuỳ theo căn cơ, kinh nghiệm của mỗi người nên có kết quả khác nhau. Cái khó của bộ môn cây kiểng ở chỗ, ngoài kiến thức căn bản cần phải có về tạo hình, bố cục, mỹ cảm nghệ thuật…tương tự như các bộ môn nghệ thuật khác, như hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh…người chơi còn phải có kiến thức căn bản về sinh lý thực vật, cách nuôi trồng như một người nông dân thực thụ. Cây trồng ngoài đất, ngoài vườn đã khó, cây trồng ép nuôi trong điều kiện bồn chậu còn khó hơn nhiều. Việc tạo tác một cây sống đòi hỏi diễn ra liên tục và không có hồi kết. Các nghệ nhân của các bộ môn khác có thể mạnh kiến thức nền về nghệ thuật tạo hình nên thường dễ thành công khi chuyển sang chơi cây cảnh.
Vậy nên người chơi muốn tạo nên những tác phẩm thực thụ có tính sáng tạo chứ không phải máy móc rập khuôn theo những bài tập căn bản cho người mới chơi thì cần trang bị cho mình những kiến thức nền cần thiết. Nếu như không thể phân biệt rõ ràng một cây kiểng thế và một cây bonsai căn bản có gì giống và khác nhau như thế nào, không hiểu được quy chuẩn thông thường để đánh giá cây kiểng thế không thể dùng cho cây một cây bonsai có triết lý tạo hình hoàn toàn trái ngược, thì khó mà có thể đi xa trên con đường tạo tác.
Từ khoảng thập niên 90, thấy được nhu cầu học tập của người chơi cây cũng như sự phát triển mạnh mẽ của phong trào sinh vật cảnh, Trường Đại học khoa học tự nhiên TP.HCM cũng đã mở nhiều lớp đào tạo về nuôi trồng hoa lan, cây bonsai; nhiều trường tư thục nghề cũng liên tục mở lớp. Các Hội sinh vật cảnh cũng liên kết đào tạo với các trung tâm dạy nghệ mở các lớp về bonsai về cây cảnh nhằm cung cấp những hiểu biết căn bản về nghề cây cảnh. Cái khó là còn quá ít ỏi, chưa có một hệ thống giáo trình đào tạo thống nhất trong các khái niệm, các từ chuyên môn cũng như các định nghĩa như thế nào là cây thế, cây bonsai, cây thành phẩm…
Các sách về cây thế ở nước ta rất hiếm. Sách cây kiểng hiện nay để người chơi có thể tham khảo đa phần là sách dịch từ nước ngoài. Người dịch thường không là dân trong nghề nên không sâu sát thực tế cũng như thấu hiểu hoàn cảnh trình độ chơi của các nghệ nhân của ta để có thể lựa chọn được các sách hướng dẫn phù hợp. Nước ta là xứ nhiệt đới nên sinh trưởng của cây cảnh và cách tạo hình có đôi chút không giống với vùng ôn đới có mùa tiết rõ ràng. Cây “diệp loại” và “tùng loại” có phương pháp nuôi trồng tạo tác hoàn toàn khác nhau. Các thầy hướng dẫn nghề cho người mới chơi đa phần là trên lý thuyết, rất ít người có kinh nghiệm thực tiễn hay có kiến thức nền tảng sâu rộng căn bản về cây. Thường thì trong đào tạo các nghề không có trong danh mục, các thầy phải là nghệ nhân cấp tỉnh có qua chứng chỉ sư phạm, nhưng bằng nghệ nhân lại do các Hội sinh vật cảnh các tỉnh xét cấp có quy chế không thống nhất, thậm chí đa phần là cấp đặc cách nên chất lượng đào tạo không như mong muốn.
Để giải quyết tình trạng này một cách căn cơ, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam nên có chủ trương liên kết với các ngành hữu quan có một chương trình đào tạo nghề cây cảnh cho người muốn tham gia. Xây dựng cho được một chương trình khung thống nhất và chuẩn đầu vào đầu ra của từng cấp đào tạo. Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các giáo viên nghề cũng như chuẩn hoá nghiệp vụ đào tạo cho họ, tránh tình trạng dạy chay, dạy sai sót về kiến thức cơ bản. Xây dựng một quy chế thống nhất trong việc phong nghệ nhân trên cả nước, cũng như cấp chứng chỉ đào tạo cho người đủ trình độ. Có như thế thì trình độ người chơi cây kiểng mới ngày được nâng cao, kinh tế sinh vật cảnh mới phát triển được lành mạnh và sâu rộng.
Nguồn: hoisvcvn.org.vn
CÁC DỰ ÁN KHÁC